illuminated, eve, winter-1479168.jpg

Đi tìm ý tưởng marketing mùa lễ hội cuối năm và những điều không thể bỏ qua.

Mùa lễ hội cuối năm là khoảng thời gian mua sắm nhộn nhịp nhất với rất nhiều các ngày lễ lớn. Đây cũng là dịp để các nhãn hàng chạy nước rút, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị để tăng khả năng tiếp cận với người tiêu dùng, tăng doanh thu và hình ảnh thương hiệu.

Hầu hết vào dịp này, các hoạt động marketing của nhãn hàng sẽ tận dụng tối đa hiệu ứng của các đợt lễ lớn như black Friday, Halloween, ngày nhà giáo VN, giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán,…..Và năm nào cũng vậy…..

Vậy giữa một “biển content” cùng một chủ đề tương tự nhau cũng như hàng loạt các hoạt động kích hoạt thương hiệu bủa vây thì làm sao để nhãn hàng của bạn gây được ấn tượng với khách hàng, thuyết phục được họ và đạt mục tiêu của chiến dịch.

Vậy, trước khi đi tìm ý tưởng marketing cho nhãn hàng, chúng ta cần phải cùng nhau rà soát lại các vấn đề sau.

Xây dựng lại nền tảng

  • Đánh giá hiệu quả, phản ứng của khách về chiến dịch cùng kỳ năm ngoái
  • Xác định lại tệp khách hàng mục tiêu
  • Xác định mục tiêu của chuỗi hoạt động

Sau khi đã làm rõ các nội dung trên thì chúng ta sẽ cùng bắt tay xây dựng kế hoạch và ý tưởng cho chiến dịch năm nay.

Chắc hẳn rằng sẽ có khá nhiều công thức khác nhau để giúp bạn xây dựng một ý tưởng mới, trong khả năng hiểu biết của mình, tôi cho rằng không có cách nào là tối ưu nhất hay ngược lại, mà nó tùy thuộc vào người sáng tạo ra ý tưởng khai thác các yếu tố như thế nào. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích các khía cạnh để khơi nguồn ý tưởng cho kế hoạch marketing của nhãn hàng.


Thấu hiểu insight khách hàng

Woman addicted from high heels

Thấu hiểu insight khách hàng, chắc hẳn rằng bạn cảm thấy nó có vẻ lý thuyết, nhưng phần lý thuyết cơ bản này là có giá trị cực kỳ quan trọng trong các quyết định ra ý tưởng của nhãn hàng.

Và hẳn bạn cũng đang nghĩ rằng “khách hàng của tôi làm sao mà tôi không biết họ là ai được!”

Thế nhưng rõ ràng là, việc bạn biết khách hàng của mình là ai với việc hiểu họ cần gì, thích gì là hai phần khác nhau. Một số công ty có tiềm lực tài chính sẵn sàng đầu tư trong khâu thu thập dữ liệu để nắm bắt được hành vi và khai thác insight của khách hàng mục tiêu, từ đó đưa ra những quyết định xác đáng. Nhưng nếu nhãn hàng không có khoản đầu tư vào việc này thì làm sao để brand team và cả các planner có được các thông tin này?

Cần tìm kiếm những loại thông tin gì về khách hàng?

Việc đầu tiên mà chúng ta thường hay làm khi muốn biết một vấn đề gì đó là tìm kiếm  trên mạng internet, và với một “rừng kết quả” với hàng loạt cột mốc thời gian khác nhau, báo cáo nghiên cứu của rất nhiều đơn vị khác nhau, vậy bạn phải xác định lại những thông tin cần và chỉ ghi lại những kết quả thật sự có liên quan.

Quan sát xung quanh

Thực tế cho thấy, bạn hoàn toàn có thể có được insight khách hàng bằng nhiều cách khác nhau, và dù chưa được đo lường nhưng cái mà chính bạn mắt thấy tai nghe vẫn đúng và có giá trị thực tế.

Cách đơn giản nhất là tự mình quan sát trong cuộc sống hàng ngày, khi bạn đi mua sắm, đi dạo phố, café cùng bạn bè hay chính ở văn phòng, đồng nghiệp xung quanh, hãy quan sát những ai nằm trong nhóm khách hàng mục tiêu của nhãn hàng mà bạn đang làm việc. Thăm dò, hỏi thăm ý kiến của những người thuộc nhóm khách hàng mục tiêu mà bạn có thể biết và hỏi được cũng là một cách hữu ích.

Tự trải nghiệm

Ngoài việc là một nhân viên marketing hay là thành viên của nhãn hàng, thì chính bạn cũng là một trong số những người tiêu dùng thực thụ, một khách hàng mục tiêu. Do đó, hãy tự mình trải nghiệm hoặc đặt mình vào tiến trình mua sắm như một người tiêu dùng thông thường. Và tưởng tượng rằng, trong tình huống đó bạn sẽ thích thú với những gì và có bị nhãn hàng thu hút hay không? Đừng đưa ra những ý tưởng để lấp đầy khoảng trống.

Cập nhật xu hướng hiện thời

Trend Trendy Lifestlye Urban Style Concept

Một khía cạnh khác có thể giúp khơi nguồn sáng tạo cho bạn chính là cập nhật các “trend” đang hiện hành. Từ đó bạn dễ dàng phát triển thêm nhiều ý tưởng mới lạ và “hợp thời”. Hoặc cũng có thể “học hỏi” các xu hướng đình đám và tạo ra một xu hướng mới.

Việc cập nhật các xu hướng hiện tại cũng giúp bạn tránh đưa ra các ý tưởng trùng lắp với các đối thủ hoặc là ý tưởng đã được thực hiện trong thời gian gần nhất.

Ngoài ra, bên cạnh việc bắt kịp các xu hướng, thị hiếu của khách hàng/người tiêu dùng, bạn sẽ dễ dàng tạo ra ý tưởng đáp ứng được mong đợi của họ. Giả dụ như hiện tại người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm,dịch vụ có nguyên vật liệu, nguồn gốc hữu cơ thân thiện với môi trường, mà nhãn hàng lại đưa ra hàng loạt sản phẩm bằng nhựa hoặc nylon thì khó mà được thị trường tiếp nhận.

Lý do để chiến thắng

Woman opening fridge door and buying food in supermarket.

Mặc dù bạn đã xem xét phát triển các khía cạnh, và tạo ra nhiều ý tưởng mới, nhưng bạn vẫn cần phải cân nhắc về yếu tố quan trọng trong chiến dịch marketing của bạn giúp bạn chiến thắng là gì? Điều gì khiến khách hàng lựa chọn sản phẩm dịch vụ của bạn chứ không phải là của đối thủ.

Chắc chắn một điều rằng, vào thời điểm đó sẽ có hàng loạt các chương trình thu hút khách hàng khác nhau của các nhãn hàng, và đâu đó cũng sẽ có sự giống nhau về mặt hình thức hay cách thể hiện. Vậy len lỏi trong danh sách các chương trình đó, điều gì khiến khách hàng chọn bạn. Ví dụ cụ thể hơn là giữa chương trình khuyến mãi mua A tặng B và mua C tặng D, thì điều gì để khách hàng chọn A?

Chọn chủ đề và bám sát vào chủ đề đó

Close-up of a cup of tea among the autumn leaves and candles on a blurred background.

Điều cuối cùng trong bài viết này muốn chia sẻ, đó là hãy bám sát vào chủ đề đã được chọn. Nội dung này khá cơ bản nhưng đa số các nhãn hàng hay phạm phải. Khởi đầu cho một chiến dịch, các nhãn hàng đã phải bỏ rất nhiều công sức để sáng tạo ra ý tưởng chủ đề cho chiến dịch đó, tạo ra các thông điệp để truyền cảm hứng và thu hút người dùng. Thế nhưng, khi đi vào chi tiết các hoạt động cụ thể, thì dường như thông điệp và ý nghĩa ban đầu của chiến dịch đã bị bỏ quên! Đôi khi là phần hoạt động cụ thể hoàn toàn không liên quan gì thông điệp cần truyền tải của nhãn hàng. Điều này khiến cho người tiêu dùng không hề “cảm” được câu chuyện ý nghĩa mà brand team đã dày công xây dựng.

Thực tế mà nói, các hoạt động triển khai cần phải thể hiện được tinh thần cốt lõi của nhãn hàng hoặc là thông điệp của chiến dịch. Bạn không thể tạo ra bản kế hoạch với thông điệp là “giúp làn da tươi trẻ như tuổi 20” nhưng hoạt động là chơi ném phi tiêu! Và thậm chí đôi khi là có quá nhiều thông điệp trong cùng một chương trình.

Thật không dễ gì khi phải liên tục đưa ra những ý tưởng mới cho cùng một nhãn hàng, cùng một thời điểm và phải lặp lại nhiều lần. Nhưng tôi tin rằng tất cả các ý tưởng đều có chung một mục đích là đáp ứng được nhu cầu và thu hút khách hàng. Cũng có thể nói, mọi ý tưởng đều được xây dựng từ những yếu tố cơ bản nhất.

Phước Thành

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top