Ứng dụng công nghệ thực tế ảo AR tại sự kiện

Đem thực tế ảo đến với sự kiện của bạn? Tại sao không?

Thông qua những bài viết tìm hiểu chi tiết về công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (AR) và thực tế ảo tăng cường Agumented Reality (AR) cùng với ứng dụng trong các hoạt động brand activation, chúng ta đã được thấy sự hấp dẫn từ “thế giới ảo” cùng với những lợi ích đầy tiềm năng giúp các nhãn hàng tương tác và tạo dấu ấn đặc biệt với khách hàng.

Vậy tại sao chúng ta không đem công nghệ này đến với các sự kiện (event) nhỉ? Trong bài viết lần này, hãy cùng tôi tìm hiểu về những ứng dụng của AR và cách để công nghệ “nâng tầm” sự kiện sắp tới của bạn.

Tại sao lại là AR?

Chắc hẳn khi đọc đến đây, bạn cũng sẽ thắc mắc, chẳng lẽ những VR, MR hay thậm chí XR mới nhất không thể giúp event hấp dẫn hơn? Không thể phủ nhận được ưu điểm có thể vượt qua cả AR của những công nghệ này, nhưng thực tế ảo tăng cường cũng có lợi thế riêng khiến nó trở thành một lựa chọn phù hợp với các sự kiện.

Còn câu chuyện về ứng dụng VR hay XR trong event, tôi sẽ để dành cho một bài viết khác, nơi chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về xu hướng sự kiện thực tế ảo (virtual event) – giải pháp hàng đầu trong bối cảnh giãn cách xã hội và tương lai phát triển tổ chức sự kiện trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, công nghệ AR có một ưu điểm là “sự thân thiện với người dùng”. Không đòi hỏi những bộ headset chuyên dụng đắt đỏ, chỉ cần thông qua thiết bị di động cá nhân (điện thoại, máy tính bảng), chúng ta đã có thể dễ dàng trải nghiệm một thế giới ảo đầy thú vị. Đó cũng chính là yếu tố giúp cho AR trở thành ứng viên sáng giá cho các hoạt động sự kiện.

Công nghê thực tế ảo AR trong sự kiện
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo AR tại sự kiện.

Trong nội dung của bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những ứng dụng AR với các sự kiện “truyền thống” – nơi khách mời sẽ trực tiếp đến sự kiện để tương tác và trải nghiệm với nhãn hàng. Công nghệ AR có thể được ứng dụng vào bất cứ event nào, từ sự kiện ra mắt sản phẩm mới, tiệc cuối năm (year end party), hội nghị khách hàng, triển lãm trưng bày sản phẩm, cho đến các chương trình giải trí, v.vv… để tăng trải nghiệm của khách mời tham gia và người xem sự kiện.

Ứng dụng AR cho event

“Nhưng trong trường hợp nhãn hàng không liên quan tới lĩnh vực công nghệ thì sao? Và nếu chủ đề của sự kiện không mang yếu tố công nghệ, liệu sử dụng AR có phù hợp? Nghe thì có vẻ hấp dẫn đấy nhưng liệu có khả thi? Nghe công nghệ hiện đại xong lại loanh quanh với mấy trò chơi thực tế ảo chứ gì?”

Tạm bỏ qua những lo lắng và cùng dạo một vòng những sự kiện đã ứng dụng những công nghệ AR và biết đâu, bạn sẽ tự tìm được cho mình câu trả lời cho mọi thắc mắc kể trên.

1. Thiệp mời AR

Trong công tác chuẩn bị cho event, một hoạt động không thể thiếu đó chính là gửi thiệp cho các khách mời đến với sự kiện. Hiện tại, ngoài hình thức thiệp in truyền thống, thiệp mời điện tử (e-invitation) cũng là một cách phổ biến để thông báo khách mời những thông tin về thời gian, địa điểm, cũng như tạo những “dấu ấn” đầu tiên về sự kiện.

Tưởng tượng khi khách mời mở thiệp, hình ảnh 3D sẽ hiện lên cùng với những hiệu ứng chuyển động bắt mắt, chắc hẳn sẽ thú vị hơn một chiếc thiệp mời với những thông tin khô khan phải không nào?

Thư mời được tích hợp công nghệ AR mang đến hình ảnh và âm thanh sống động.

2. Bản đồ AR

Những sự kiện như triển lãm thương mại (trade show) thường được tổ chức tại các hội trường lớn, đôi khi khách mời sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các gian hàng. Kể cả với các sự kiện được tổ chức trong hội trường khách sạn, trung tâm hội nghị, khách mời cũng không tránh khỏi tình huống bối rối khi tìm di chuyển trong phòng hội nghị hoặc tìm vị trí ngồi. Và không phải lúc nào các nhân viên điều phối cũng có thể xuất hiện kịp thời để hỗ trợ cho tất cả các khách mời.

Để tránh những “rắc rối” này, sử dụng một bản đồ với công nghệ AR (AR map) là một cách vừa giúp giải quyết được vấn đề, vừa thể hiện được sự chuyên nghiệp và chỉn chu trong khâu tổ chức sự kiện.

Khách mời sử dụng bản đồ AR để di chuyển giữa các gian hàng trong sự kiện triễn lãm thương mại

3. AR Photobooth

Tương tự như trong hoạt động activation, một photobooth với công nghệ AR cũng là một điểm thu hút sự chú ý của khách mời khi đến với sự kiện. Đây còn là nơi để khách mời “check-in” sự kiện với những bức ảnh lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ tại sự kiện.

Trong sự kiện YEP Lazvenger 2020 của Lazada, chỉ với vài thao tác đơn giản, khách mời đã được bước vào thế giới của những siêu anh hùng Marvel với cánh cổng dịch chuyển ma thuật của Doctor Strange trong môt không gian vũ trụ đầy hấp dẫn. Những hình ảnh và hiệu ứng đặc biệt đều được thiết kế và hiển thị trên thiết bị di động, nhờ đó nhãn hàng không phải tốn quá nhiều chi phí cho việc sản xuất và trang trí mà vẫn có thể làm cho khu vực photobooth trở nên đặc biệt.

Photobooth ứng dụng công nghệ AR tại sự kiện YEP Lazvenger 2020 của Lazada

4. Trò chơi thực tế ảo

Ứng dụng thực tế ảo vào các trò chơi đã trở thành một xu hướng để thu hút khách hàng và tăng tương tác với thương hiệu. Dù vậy, chúng ta vẫn không thể phủ nhận hiệu quả của công nghệ AR, đặc biệt với khả năng mang đến những hiệu ứng đầy bất ngờ, chắc chắn đây sẽ là một điểm nhấn đặc sắc cho sự kiện của bạn.

Chỉ cần một backdrop với hình ảnh đơn giản cùng với công nghệ AR, ECCO đã thành công trong việc đem đến một trải nghiệm đầy thú vị, tạo được sự hứng thú với các sản phẩm và gợi sự tò mò để dẫn dắt khách hàng đến trực tiếp cảm nhận tại các cửa hàng.

ECCO quảng bá sản phẩm mới với trò chơi tương tác thực tế ảo tại Hong Kong

5. Giới thiệu sản phẩm với công nghệ thực tế ảo

Các sự kiện ra mắt sản phẩm mới hoặc triển lãm thương mại chính là cơ hội để nhãn hàng mang những sản phẩm của mình giới thiệu với khách hàng. Nếu bạn không đã chán những tấm bảng thông tin tẻ nhạt, hoặc lo lắng những lời giới thiệu không thể giúp khách hàng cảm nhận được sản phẩm, hãy thử ứng dụng AR nhé! “Trăm nghe không bằng một thấy”, với công nghệ thực tế ảo, những tính năng và thông tin về sản phẩm một cách trực quan sinh động để khách hàng được “thấy” và mang đến trải nghiệm thực tế nhất.

Với ứng dụng AR Showroom, Huyndai đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo để hỗ trợ các đại lý trong việc giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Bên cạnh việc thay đổi màu sắc bên ngoài cũng như điều chỉnh nội thất bên trong và các chi tiết của xe theo sở thích, khách hàng cũng có thể tìm hiểu các thông số của động cơ cũng như xem mô phỏng chuyển động trên đường với tính năng lái xe an toàn.

Hyundai ứng dụng công nghệ thực tế ảo với ứng dụng AR Showroom cho phép khách hàng được trải nghiệm trực tiếp dòng xe i30

6. Thuyết trình với công nghệ AR

Phần trình bày, báo cáo hoặc giới thiệu sản phẩm trước khách mời là một phần cực kì quan trọng trong các sự kiện. Nhưng đôi khi, những hình ảnh trên bản trình chiếu từ Power Point không đủ sức hấp dẫn để khán giả ghi nhớ những thông tin được trình bày. Ứng dụng công nghệ AR là một giải pháp đầy hứa hẹn để giúp phần trình bày trong sự kiện trở nên thu hút hơn.

Một điều cần lưu ý khi sử dụng công nghệ AR trên sân khấu cũng như khi thuyết trình, đó là những hiệu ứng hình ảnh này chỉ có thể quan sát thông qua thiết bị di động hoặc màn hình chiếu chứ không thể nhìn thấy trực tiếp với mắt thường. Dù cần phải thông qua thiết bị trung gian, nhưng công nghệ AR cũng mang đến những trải nghiệm đầy thú vị cho khách mời trong các sự kiện.

Phần thuyết trinh với công nghệ thực tế ảo.

7. Trình diễn kết hợp với công nghệ thực tế ảo

Để tăng tính giải trí cho các sự kiện, những tiết mục biểu diễn đặc sắc chính là lựa chọn hàng đầu để tạo nên những “key moment” điểm nhấn và tạo ấn tượng với khách mời tham gia chương trình. Vậy tại sao không kết hợp những vũ đạo đẹp mắt, những bài hát sôi động với những hình ảnh đến từ công nghệ AR? Chắc chắn khán giả sẽ không thể quên được tiết mục đặc biệt này thậm chí sau khi event đã kết thúc.

Chung kết Liên minh Huyền thoại đã trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm của các game thủ và người hâm mộ thể thao điện tử trên toàn thế giới hằng năm. Những năm gần đây, lễ khai mạc trận chung kết đều gây ấn tượng mạnh với sự kết hợp của công nghệ trình diễn đặc biệt là AR trong các phần biểu diễn của nghệ sĩ tham gia chương trình.

Tiết mục biểu diễn mở màn sử dụng công nghệ AR tại Chung kết Giải vô định Liên minh Huyền thoại Thế giới năm 2018.

Tại Việt Nam, công nghệ thực tế ảo cũng đã bắt đầu được ứng dụng vào các chương trình giải trí. Có thể kể đến tiết mục “Love note” trong Đại tiệc công nghệ “Note nhịp đam mê” ra mắt sản phẩm Galaxy Note 20 của Samsung vào năm 2020. Bên cạnh đó, chương trình tìm kiếm tài năng như King of Rap, hay Giọng hát Việt nhí New Generation 2021 cũng đã đưa công nghệ thực tế ảo bằng cách sử dụng các hình ảnh đồ họa vào trong phần trình diễn của các thí sinh nhí.

Sân khấu biểu diễn với công nghệ AR tại chương trình Giọng hát Việt nhí New Generation 2021

Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có thể hiểu được ứng dụng của công nghệ AR vào trong lĩnh vực tổ chức sư kiện cũng như có thêm những ý tưởng mới và lên kế hoạch để sử dụng công nghệ thực tế ảo cho trong event sắp tới của bạn.

Trâm Lưu

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top