Pokemon Go đã chứng minh được sức hút của công nghệ thực tế ảo tăng cường (Agumented Reality) và tạo ra cơ hội để thương hiệu và các marketer thỏa sức sáng tạo trong các hoạt động thu hút khách hàng.
Từ những cú nổ “thực tế ảo”
Ra đời vào năm 2016, Pokemon Go thực sự đã tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới khi đưa những nhân vật “quái vật bỏ túi” quen thuộc đến với thế giới thực. Người chơi ở đủ mọi lứa tuổi, giới tính đều bị cuốn vào cuộc hành trình để trở thành những “nhà huấn luyện tài ba”. Thay vì chơi tại nhà hoặc những phòng game đặc biệt, công viên, quán cà phê và những địa điểm công cộng lại trở thành nơi tập trung của những game thủ Pokemon Go.
Beat Saber, dù không trở thành một hiện tượng như Pokemon Go, nhưng với 4 triệu bản game được bán ra tính tới tháng 2 năm 2021, cũng đã trở thành trò chơi về âm nhạc và nhịp điệu (rhythm game) phố biến nhất trên nền tảng thực tế ảo (VR). Và dù bạn có phải fan của chuỗi phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) hay không, chắc hẳn bạn cũng sẽ thích thú với cảm giác được cầm trong tay tay gươm ánh sáng và phiêu trong giai điệu của những bài hát đến từ Eninem, Billie Eilish hay BLACKPINK.
Thực tế ảo? VR, AR cho đến MR
Khi mô tả về Pokemon Go và Beat Saber, chắc hẳn “game thực tế ảo” sẽ là cụm từ được nhiều người sẽ sử dụng. Nhưng thật ra giữa công nghệ được sử dụng trong hai trò chơi này lại có nhiều điểm khác biệt và đôi lúc vẫn có sự nhầm lẫn giữa các khác niệm về VR, AR và MR. Bạn có phân biệt được sự khác nhau của 3 công nghệ này?
Đầu tiên, nói về VR, Virtual Reality, hay thực tế ảo. Một cách đơn giản, ở đây, người tham gia sẽ cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới giả lập, tách biệt hoàn toàn với thế giới thật. Với những lập trình có sẵn, người tham gia có thể dễ dàng tương tác trực tiếp với thế giới ảo đó. Những chiếc kính thực tế ảo (VR glass) hoặc những bộ thiết bị chuyên dụng (VR headset) là những công cụ bắt buộc phải có để chúng ta có thể khám phá thực tại này.
Tiếp theo là AR, Agumented Reality, thực tế ảo tăng tường. Khác với VR, AR không mang chúng ta đến một thực tại mới, mà những yếu tố “ảo” sẽ được mang đến thế giới thực. Và điều đặc biệt là chúng ta có thể trực tiếp tương tác với vật thể ảo này. Không đòi hỏi những bộ thiết bị đắt tiền, chỉ cần với một điện thoại thông minh, chúng ta cũng có thể dễ dàng được trải nghiệm VR.
Như đã đề cập ở trên, trò chơi Pokemon Go đã khiến người người nhà nhà lao ra đường để “bắt” Pokemon chính là một ví dụ điển hình của công nghệ thực tế ảo tăng cường. Kể cả nếu bạn không muốn ra đường để tìm Pokemon, thì Google cũng cho phép bạn xem hình 3D của một số con vật như hổ, gấu trúc, và cả các nhân vật như Pacman, Gundam với công nghệ AR ngay chính không gian nhà bạn.
Và cuối cùng MR, Mixed Reality, thực tại kết hợp hay thực tại lai là sự kết hợp giữa VR và AR. Với MR, những sự vật thật và ảo sẽ có khả năng tương tác trực tiếp với nhau, giúp đưa việc trải nghiệm lên một tầm cao mới.
Đến cơ hội cho brand activation
Khi mọi nhãn hàng đều hướng tới việc thu hút khách hàng bằng những trải nghiệm độc đáo, những ứng dụng từ công nghệ thực tế ảo VR hoặc AR chính là phương tiện để chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt để “kích hoạt” dấu ấn về thương hiệu trong tâm trí của khách hàng.
Hãy cùng tìm hiểu một vài hình thức ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong hoạt động brand activation.
Trò chơi thực tế ảo tại các booth activaion
Trò chơi là một phần không thể thiếu trong các hoạt động activation. Công nghệ thực tế ảo tạo ra những trò chơi tương tác hấp dẫn giúp các nhãn hàng có thêm nhiều lựa chọn để khiến booth activation của mình trở nên nổi bật hơn. Dù các trò chơi thực tế ảo không còn xa lạ với khách hàng, nhưng trải nghiệm thực tế ảo vẫn có sức hút nhất định với người tiêu dùng tại Việt Nam.
Thay vì sử dụng các trò chơi đã quá quen thuộc như ném cổ vịt, đập búa, phóng phi tiêu,… Hãy thử sử dụng trò chơi VR hoặc AR, chắc chắn khách hàng sẽ cực kì tò mò và không ngần ngại đến tương tác với booth activation của bạn.
Ứng dụng thực tế ảo tại cửa hàng
Bên cạnh các booth activation, các hoạt động ứng dụng thực tế ảo ngay tại của hàng để nâng cao trải nghiệm trực tiếp của khách hàng cũng là một hình thức đầy tiềm năng. Ví dụ, UNIQLO với phòng thay đồ ảo với Magic Mirror cho phép khách hàng thay đổi màu sắc của sản phẩm để tiết kiệm thời gian thử đồ.
Chiến lược tương tự cũng đã được ứng dụng tại cửa hàng của Timberland. Với camera thông minh được tích hợp để nhận diện gương mặt khách hàng, sau đó khách hàng có thể tự do “thử quần áo” với các sản phẩm đến từ Timberland một cách dễ dàng.
Photobooth ứng dụng thực tế ảo
Hoặc đơn giản hơn, với những photobooth tích hợp công nghệ thực tế ảo, những “filter” hình ảnh mà nhãn hàng có thể dễ dàng tùy chỉnh cũng là một hướng tiếp cận phổ biến. Chắc hẳn ai cũng cảm thấy thích thú được tương tác và lưu lại khoảnh khắc với thám tử Pikachu đáng yêu.
Những photobooth này không chỉ mang lại sự tò mò để khách hàng có thể tiếp cận với nhãn hàng mà còn mang lại hiệu ứng truyền thông cực lớn khi khách hàng chia sẻ những hình ảnh của mình trên các mạng xã hội.
Hi vọng thông qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin bổ ích về công nghệ thực tế ảo, cũng như phân biệt được sự khác nhau giữa các công nghệ VR, AR và MR, cũng như có thêm những ý tưởng khi ứng dụng các công nghệ này vào trong kế hoạch brand activation trong tương lai.